Hướng dẫn bảo dưỡng máy phát điện

QUY TRÌNH BẢO TRÌ BẢO DƯỠNG CƠ BẢN

Quá trình sử dụng Máy phát điện gắn liền với những giai đoạn bảo trì và bảo dưỡng tùy theo yêu cầu sử dụng và ứng dụng cụ thể. Ngoài dịch vụ bảo dưỡng định kỳ từ nhà cung cấp người sử dụng cần theo dõi và bảo trì, bảo dưỡng những bộ phần cụ thể như:

1. Làm sạch lọc gió

Luôn giữ lõi lọc gió sạch sẽ, nếu lõi lọc gió bẩn sẽ làm giảm công suất động cơ.

*Chú ý: Không chạy máy nếu như thiếu lọc gió. Nếu máy phát điện hoạt động trong môi trường nhiều bụi thì thường xuyên phải vệ sinh hơn.

2. Thay dầu bôi trơn

Nổ máy chạy không tải đến khi đủ ấm, sau đó tắt máy bắt đầu quy trình thay như sau:

- Mở thước thăm dầu.

- Dùng khay chứa dầu đặt dưới chỗ xả dầu, mở ốc xả dầu, xả xong thì vặn ốc lại lại đúng lực siết quy định.

- Đổ dầu từ từ, tránh bị chảy loang lổ ra ngoài máy, dùng thước thăm dầu kiểm tra mức dầu, mức dầu bám đến vạch cao nhất là tốt.

*Chú ý: Phải thay lọc dầu theo định kì, hoặc theo cách nhớ 02 lần thay dầu là 01 lần thay lọc.

3. Thay nước làm mát

Cần thay nước định kì sau một khoảng thời gian làm việc, nếu két nước bị bụi bám vào bề mặt thì phải vệ sinh.

- Nước làm mát là hỗn hợp bao gồm nước và dung dịch LCC.

- Tỉ lệ thích hợp của hỗn hợp LCC và nước là 30% – 50%. Nếu tỉ lệ thấp dưới 30% thì hiệu quả chống gỉ của hỗn hợp sẽ giảm.

- Khi bổ sung LCC, cần phải sử dụng cùng nhãn mác và cùng nồng độ.

4. Xả e và nước trong nhiên liệu

Đẩy không khí ra khỏi ống cấp nhiên liệu (hiện tượng e) khi phải khởi động lại động cơ do cấp nhiên liệu thiếu.

- Tháo “ống cấp nhiên liệu ra” để khử không khí sau đó đấu lại.

- Khử không khí bằng cách sử dụng bơm cấp nhiên liệu trên bầu lọc nhiên liệu. Ấn bơm cấp nhiên liệu để đẩy không khí ra khỏi ống cấp nhiên liệu.

- Kiểm tra đệm lò xo của bầu lọc nhiên liệu.

- Sử dụng chìa vặn của bầu lọc lò xo để tháo đệm lò xo.

- Rửa sạch bộ lọc và bôi một lớp dầu mỏng lên bề mặt bộ lọc, sau đó lắp lại. Không siết chặt quá.

- Sau khi thay đệm lò xo cần phải đẩy không khí ra khỏi ống cấp nhiên liệu.


NỘI DUNG BẢO TRÌ VÀ BẢO DƯỠNG

A. BẢO DƯỠNG PHẦN ĐỘNG CƠ:

Khởi động máy mỗi tuần một lần để kiểm tra máy và nạp điện cho ắc quy.

a. Kiểm tra bắt buộc trước khi khởi động máy:

1. Kiểm tra mực nhớt bôi trơn động cơ

2. Kiểm tra mực nước làm mát động cơ

3. Kiểm tra mức nhiên liệu trong thùng chứa

4. Cho thêm 1 lượng dung dịch chống đông thích hợp tùy theo nhiệt độ của môi trường hoạt động

5. Kiểm tra lọc gió và bộ hiển thị báo khi lọc gió bị dơ

6. Mở tất cả các van dẫn nhiên liệu đến máy và từ máy về thùng chứa nhiên liệu (nếu có)

7. Kiểm tra điện áp bình ắcquy, dung dịch Acid, các mối nối dây điện và khoảng cách giữa các chi tiết chuyển động với các chi tiết cố định

b. Sau 100 giờ hoạt động:

1. Kiểm tra lại các chi tiết phần a.

2. Kiểm tra các dây đai truyền động

3. Kiểm tra độ sạch (cặn, nước & các tạp chất) của nhiên liệu, nhớt bôi trơn động cơ, nước làm mát động cơ

4. Kiểm tra các cánh tản nhiệt của két nước

B. BẢO DƯỠNG PHẦN ĐẦU PHÁT ĐIỆN (ALTERNATOR) VÀ BẢNG ĐIỀU KHIỂN (CONTROL PANEL)

      1. Kiểm tra và xử lý các khớp nối giữa động cơ (engine) và đầu phát điện (alternator)

      2. Đo và xử lý độ cách điện giữa các cuộn dây và vỏ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

      3. Kiểm tra phần Stator & Rotor qua phương pháp dùng biến áp chuyên dùng.

      4. Vệ sinh Stator & Rotor bằng hơi nén.

      5. Kiểm tra và xử lý các đầu cos nối cũng như dây dẫn từ Stator đến các cọc phân phối.

      6. Kiểm tra bạc đạn Alternator và khe hở giữa Stator và Rotor.